Một tỷ phú Đắk Lắk trồng cà phê kiểu gì mà năng suất đạt 5 tấn/ha, cả làng phục sát đất?

Nằm ngay bên cạnh Tỉnh lộ 8, vườn cà phê 7ha của gia đình ông Nguyễn An Sơn (SN 1964) tại thôn 6, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) đã trở thành hình mẫu cho sự đổi mới trong canh tác nông nghiệp suốt nhiều năm qua

Ông Sơn chia sẻ, gia đình ông gắn bó với cây cà phê từ năm 1968. Giống như người dân trong vùng, trước đây gia đình ông sản xuất cà phê theo phương pháp truyền thống, trồng cà phê đơn thân hãm ngọn.

Mỗi năm, gia đình phải bỏ ra nhiều khoản chi phí để chăm sóc, bón phân, làm cỏ và tưới nước nhưng sản lượng chỉ đạt 3-3,5 tấn cà phê/ha.

Năm 2020, nhận thấy vườn cà phê đã già cỗi và năng suất thấp, gia đình ông Sơn quyết định thực hiện một bước ngoặt lớn, nhổ bỏ toàn bộ cây cà phê cũ, xử lý đất và bắt đầu trồng tái canh với phương thức canh tác cà phê đa thân không hãm ngọn.

Khác với quy trình canh tác truyền thống chỉ cho mật độ 1.100 cây/ha, ông Sơn đã cho máy cày xới đất, đánh rãnh, xử lý đất một cách kỹ lưỡng, sau đó bón lót phân hữu cơ đầy đủ và trồng với mật độ gấp đôi, lên tới 2.200 cây/ha. Mỗi cây cà phê được tạo hình ngay từ nhỏ để duy trì 2-3 thân.

Những năm tiếp theo, ông nuôi chồi mới luân phiên để thay thế cho thân trưởng thành sau khoảng 3-4 vụ thu hoạch.

Phương pháp này giúp cây sẽ luôn ra hoa, đậu trái trên cành cấp 1 và phân theo từng tầng tán. Khi thu hoạch, sẽ cắt bỏ luôn những cành đã cho trái, không cần lo việc giữ cành, tạo tán cho năm sau nên việc thu hái nhanh và dễ dàng hơn.

Phương pháp canh tác cà phê đa thân không hãm ngọn còn hạn chế sự xuất hiện của các chồi vượt, cành tăm, từ đó giảm chi phí nhân công làm cành, chồi.

Cùng với việc tái canh vườn cà phê theo phương pháp đa thân không hãm ngọn, gia đình ông Sơn còn áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel.

Theo đó, thay vì tưới và bón phân tập trung dựa vào quan sát thời tiết thì cây cà phê được cung cấp nước và phân bón một cách hiệu quả thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt theo định kỳ hằng tuần.

Để cây cà phê phát triển thuận lợi, xanh tốt quanh năm, gia đình ông Sơn đã lập ra một thực đơn chi tiết cho từng loại phân bón theo tháng. Nhờ phương pháp này, lượng phân bón cho cây cà phê giảm 15-30% so với canh tác truyền thống.

“Trước đây, với 1ha cà phê, gia đình tôi sử dụng tới 2,5 tấn phân bóng mỗi năm. Tuy nhiên, thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt và có thực đơn chi tiết, chúng tôi chỉ cần khoảng 1,5 tấn phân bón/ha mỗi năm”, ông Sơn cho hay.

Không chỉ tiết kiệm phân bón, hệ thống tưới nhỏ giọt còn giúp nhà vườn giảm đáng kể chi phí nhân công.

Ông Sơn lý giải: “Trước đây, 7ha cà phê của gia đình tôi cần 7 công nhân làm việc thường xuyên thì giờ chỉ cần một người cũng có thể đảm nhận công việc bón phân, tưới nước cho cả 7ha trong 2 ngày vào mùa mưa, 5 ngày vào mùa khô. Nhờ đó, tổng chi phí đầu tư cũng giảm đáng kể chỉ còn khoảng 80 triệu đồng/ha/năm, trong khi phương pháp truyền thống tốn tới 150 triệu đồng/ha/năm”.

Ông Sơn cũng tiết lộ, công nghệ tưới nhỏ giọt còn giúp giữ ẩm cho lớp đất mặt, hạn chế sự lây lan của sâu bệnh và cỏ dại, đồng thời tiết kiệm đáng kể lượng nước, đặc biệt trong mùa khô.

Đồng thời, cây được cung cấp chất dinh dưỡng liên tục mà không phụ thuộc vào thời tiết. Từ đó, giúp trái cà phê luôn căng mọng và đầy đủ dinh dưỡng và cho hương vị khác biệt khi rang xay.

Nhờ vào phương pháp canh tác hiện đại, gia đình ông đã chủ động kiểm soát sản lượng thu hoạch. Năng suất cà phê duy trì ổn định từ 5-5,5 tấn/ha mỗi năm – một con số mà nhiều nông dân trồng cà phê luôn khao khát. Lợi nhuận từ việc canh tác 7ha cà phê đa thân không hãm ngọn lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm.

Bài viết liên quan

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

Chỉ cần để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ ngay với bạn sau ít phút



    *Thông tin của bạn sẽ được bảo mật tuyệt đối

    icon-contact icon-contact icon-contact icon-contact